CEO Be Group: Cuối năm nay công ty sẽ hòa vốn, đầu năm sau có lãi
Thứ hai, 16/11/2020 07:00 (GMT+7)
Mới đây tờ Techinasia đã có bài viết nhận định về chiến lược hướng tới thành công của ứng dụng gọi xe Be Group trong bối cảnh thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt.
Theo đó, thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam đang rất sôi động. Thành phố lớn là nơi quy tụ nhiều công ty gọi xe công nghệ với mọi nẻo đường phủ đầy sắc màu của đồng phục tài xế và logo của các công ty vận tải.
Trong vô số những tài xế công nghệ thì sắc vàng sọc xanh đen trên áo và mũ bảo hiểm của những bác tài “be” thật sự nổi bật.
Được thành lập vào năm 2018, tuy là một ‘tay chơi’ mới trong lĩnh vực gọi xe công nghệ tại Việt Nam, nhưng Be Group đang dần chuyển mình để chứng minh là một ứng cử viên sáng giá trên thị trường.
Công ty đã có hơn 9 triệu lượt tải ứng dụng và đội ngũ tài xế khoảng 100.000 người. Với 16% thị phần trong nửa đầu năm 2019, công ty trở thành hãng gọi xe công nghệ lớn thứ 2 tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Hoàng Phương, CEO Be Group chia sẻ, công ty đang tiến đến điểm hòa vốn trong năm nay và dự tính có lãi vào năm 2021. “Xây dựng lòng tin với khách hàng và không tham gia vào cuộc chiến về giá như đối thủ là chiến lược của công ty” – bà Phương tiết lộ thêm.
Tiềm năng ngành gọi xe công nghệ tại Việt Nam
Be Group đang hoạt động tại Việt Nam, một thị trường đầy tiềm năng, được dự báo là điểm nóng tiếp theo của ngành gọi xe công nghệ tại Đông Nam Á.
Việt Nam là một trong những quốc gia có dân số đô thị phát triển nhanh nhất trong khu vực và tham gia tích cực vào nền kinh tế trực tuyến. Các hãng xe công nghệ có cơ hội để giải quyết các vấn đề về giao thông mà các thành phố lớn của Việt Nam đang gặp phải như kẹt xe và thiếu phương tiện vận tải công cộng.
Tuy nhiên, còn tồn tại rất nhiều rào cản mà các hãng xe cần phải vượt qua. Chẳng hạn như, các công ty nội địa có quy mô nhỏ đang phải gồng mình chống lại chiến thuật đốt tiền từ các ông lớn đa quốc gia. Hai doanh nghiệp gọi xe còn lại trong số top 3 công ty hàng đầu thị trường đều là những doanh nghiệp đa quốc gia, vốn có lợi thế và kinh nghiệm để nâng cao thị phần và nhận diện thương hiệu.
Thêm vào đó, những công ty nội địa vẫn còn gặp khó khăn khi thuyết phục người tiêu dùng sử dụng nền tảng công nghệ thuần Việt.
Bà Nguyễn Hoàng Phương chia sẻ: “Người dùng Việt có xu hướng ưa chuộng sản phẩm và dịch vụ ngoại”. Bà còn cho biết thêm người dùng thường do dự khi sử dụng những dịch vụ được cung cấp bởi các công ty nội địa với suy nghĩ chất lượng sản phẩm thấp.
Các doanh nghiệp nội địa thường có quy mô nhỏ hơn so với các gã khổng lồ trong khu vực, điều này gây ra tình trạng nhu cầu vượt xa nguồn cung về tài xế trong giờ cao điểm.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam đã làm rõ các quy định về dịch vụ gọi xe trong đầu năm nay, một phần do sự phản đối từ các công ty taxi truyền thống. Điều này có nghĩa các công ty vẫn đang trong quá trình định hướng theo các chính sách mới. Và những thách thức này càng tăng cao hơn bởi đại dịch Covid-19, khiến người dân phải ở nhà và lượng người đi lại cũng sụt giảm.
Tất cả những điều này làm cho thị trường gọi xe Việt Nam trở thành một môi trường đầy thách thức – đó là lý do vì sao Be Group lựa chọn một cách tiếp cận khác để phát triển nền tảng của mình.
Quan hệ đối tác là yếu tố then chốt
“Open platform” (nền tảng mở) là một trong những định hướng của Be Group để tạo nên sự khác biệt. Theo bà Phương, đây là chiến lược siêu ứng dụng được áp dụng bởi nhiều hãng gọi xe khác.
Công ty muốn trở thành nhà cung cấp dịch vụ di động (mobility-as-a-service -MaaS) và đang dựa vào việc xây dựng quan hệ đối tác với các công ty khác để phát triển hệ sinh thái của mình một cách bền vững. MaaS cho phép người dùng lập kế hoạch, đặt chỗ và thanh toán cho nhiều loại dịch vụ di động từ một nền tảng duy nhất – trong trường hợp này là ứng dụng của Be Group
Bà Phương cho biết: “Là một nền tảng mở, chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục bắt tay với các đối tác chiến lược khác để cung cấp sản phẩm, dịch vụ phù hợp cho khách hàng “be”. Cùng với các đối tác, chúng tôi muốn phục vụ và mang lại nhiều giá trị nhất cho khách hàng.”
Công ty hiện vận hành beBike và beCar, các dịch vụ gọi xe gắn máy và ô tô, cũng như dịch vụ beDelivery cho việc giao nhận hàng hóa.
Người dùng cũng có thể đặt taxi qua tính năng beTaxi, được phát triển với sự hợp tác của Vinataxi, chi nhánh tại Việt Nam của công ty vận tải ComfortDelGro Singapore. Be Group cũng hợp tác với EMDDI, một nền tảng quản lý đặt xe cho các công ty taxi, cho phép người dùng đặt xe taxi từ các nhà khai thác trong Liên minh taxi Việt Nam.
Ngoài ra, công ty đã hợp tác với ví điện tử nhiều người dùng nhất Việt Nam là MoMo để xử lý các giao dịch không dùng tiền mặt trên nền tảng của mình. Cùng với với dịch vụ đặt vé xe khách trực tuyến thông qua Vexere.vn, ứng dụng “be” đang dần chiếm lĩnh việc di chuyển bằng phương tiện công cộng trên toàn quốc.
Bằng cách hợp tác với các đối tác khác nhau, Be Group có thể tung ra các dịch vụ mới cho khách hàng một cách nhanh chóng mà không cần phải tiêu tốn quá nhiều chi phí – điều này giúp ích cho lợi nhuận của công ty trong thời điểm khó khăn. Đáng chú ý, cho đến nay công ty vẫn tránh gia nhập vào lĩnh vực giao đồ ăn, một lĩnh vực đặc biệt cạnh tranh ở Việt Nam.
Xây dựng sự gắn kết với khách hàng
Theo bà Phương, điều khiến Be Group khác biệt với các công ty gọi xe khác là hướng vào cộng đồng và xây dựng được riêng tệp tài xế và khách hàng gắn bó lâu dài. “Be Group đã cân bằng được lợi ích giữa hai nhóm cộng đồng này”, bà Phương tiết lộ.
Công ty xây dựng một hệ thống hỗ trợ vững mạnh cho các tài xế của mình, đảm bảo rằng họ nhận được thu nhập cạnh tranh cũng như lợi ích từ các khóa huấn luyện khác nhau. Be Group cũng triển khai chương trình bảo hiểm sức khỏe cho tài xế, bên cạnh đó là sự hỗ trợ tài chính mà Be đã cung cấp kể từ những ngày đầu khi Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam
Thành quả của những nỗ lực này là bePro – một đội ngũ tài xế chuyên nghiệp được thành lập, những người cung cấp dịch vụ tuyệt vời, đảm bảo rằng khách hàng đặt được chuyến đi bất cứ khi nào họ cần.
Bà Phương cho biết, quá trình đào tạo tài xế công nghệ của Be Group cũng giúp công ty trở thành một trong những công ty cung cấp dịch vụ đi xe an toàn nhất trên toàn quốc. Điều này hiện đang thu hút đối tượng chính của dịch vụ: Những người trẻ hơn, hưởng nền giáo dục tốt, những người sẵn sàng trả nhiều hơn một chút để có được sự an toàn và thoải mái.
Nhờ Be Group tập trung vào việc mang lại trải nghiệm tốt hơn cho cả tài xế lẫn khách hàng, công ty đẩy lùi định kiến của người tiêu dùng Việt trước đây đối với hàng hóa và dịch vụ nội địa.
Vượt lên phía trước
Trong khi Covid-19 tiếp tục đè nặng lên tâm trí của các doanh nghiệp trên toàn Đông Nam Á, bà Phương tự tin công ty đã bước qua khủng hoảng và đang vượt lên phía trước, vì Be Group không đốt tiền và thậm chí đã tìm thấy một thị trường cho riêng mình ở Việt Nam .
CEO cho biết, từ khi bắt đầu đại dịch, Be Group đã nhanh chóng tung ra “be Đi chợ”- dịch vụ mua giúp hàng hóa cho người tiêu dùng. “be Đi chợ” vẫn đang tăng trưởng 200% đến 300% mỗi tháng. Công ty cũng có kế hoạch triển khai nền tảng dịch vụ tài chính trong tương lai gần.
Bà Phương cho biết công ty hiện đã chiếm được từ 20% đến 30% thị trường gọi xe tại Việt Nam và tự tin Be Group đang đi trên con đường dẫn đến lợi nhuận. Cuối cùng, Be Group muốn có thể làm được nhiều hơn chứ không chỉ dừng lại ở một dịch vụ gọi xe.
“Chúng tôi sẽ là một nền tảng di động kết hợp tất cả các phương thức giao thông vào ứng dụng của mình để cung cấp giải pháp tất cả dịch vụ trong một ứng dụng cho khách hàng. Chúng tôi sẽ là một nhà cung cấp MaaS thực thụ tại Việt Nam” – bà Phương quả quyết.